Đọc sách bằng tiếng Anh thế nào?

Chia sẻ với bạn bè

Từng gặp khó khăn khi đọc sách tiếng Anh, Đức Thịnh, du học sinh Đại học Prince Edward Island, Canada, thử đọc sách song ngữ và thấy trình độ cải thiện nhanh.

Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1994, quê Thái Bình, là cựu sinh viên Học viện Ngân hàng. Thịnh từng đạt 8.5 IELTS, trong đó 9.0 Reading và Listening, giành giải nhất IELTS Prize 2019. Là Youtuber nổi tiếng, anh chia sẻ kinh nghiệm đọc sách bằng tiếng Anh.

Đọc sách bằng tiếng Anh đem lại rất nhiều lợi ích, giúp cải thiện khả năng ngoại ngữ của bạn một cách đáng kể. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản và chính mình cũng gặp nhiều trở ngại. Quyển sách tiếng Anh đầu tiên mình đọc là The Fault in our stars (Lỗi của những vì sao). Cuốn này văn phong hiện đại, cũng dễ đọc nhưng thể loại mình hứng thú là tôn giáo, tâm linh, khoa học, công nghệ lại khá khó đọc bằng tiếng Anh.

Vậy làm thế nào để đọc sách bằng tiếng Anh tốt hơn, đặc biệt là những bạn đang ở tầm trung bình, khá ngoại ngữ? Mình bắt đầu áp dụng cách đọc sách song ngữ từ khoảng 2 năm trước và nhận thấy phương pháp này cực kỳ hữu dụng.

Thời điểm đó, mình rất thích cuốn Đường xưa mây trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh và đã đọc hai lần. Mình đã tải phiên bản tiếng Anh của sách vào điện thoại và đọc song song với sách tiếng Việt. Tác phẩm nói về một vị vua muốn tìm hiểu về tình yêu thương nên đã tìm đến bụt để được giải đáp thắc mắc.

Chương 42 với tiêu đề “Không hiểu biết thì không thể thương yêu”, sách tiếng Anh viết “Love is understanding” (Yêu thương là thấu hiểu). Từ bản song ngữ, chúng ta có thể thấy sách tiếng Việt chọn cách diễn giải phủ định để nhấn mạnh giá trị của tình yêu thương mà không làm biến đổi nghĩa gốc.

Trong sách tiếng Việt, nhiều cụm từ, câu mình thấy rất hứng thú và tò mò không biết trong bản tiếng Anh sẽ như thế nào. Chẳng hạn “Sa môn Gotama, người ta thường ca ngợi ngài là Bụt, là đã đạt tới quả vị giác ngộ cao nhất”. Câu này trong sách tiếng Anh được viết là “Teacher Gotama, people praise you as Buddha, one who has attained perfect enlightenment”. So sánh hai câu, bạn có thể thấy danh từ “enlightenment” nghĩa là sự giác ngộ, khai sáng, xuất phát từ động từ “enlighten” (làm sáng tỏ). Mình đã học thêm một từ mới rất thú vị trong câu này.

Đức Thịnh tại Canada. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Thịnh tại Canada. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, những từ sách tiếng Anh dùng còn xuất hiện trong các bài thi đọc của IELTS. Ví dụ, mình từng gặp câu: “Đại vương, tôi có nghe nói tới các vị ấy và có vị tôi cũng đã được gặp. Đại vương, sự tỉnh thức không tùy thuộc vào tuổi tác, và năm tháng không quyết định được sự có mặt của giác ngộ. Đại vương, có những cái bé nhỏ mà ta không nên khinh thường”.

Trong sách tiếng Anh, câu này được diễn đạt thành: “Your majesty, I have heard of all those masters and have met a number of them. Spiritual realzation (sự tỉnh thức) does not depend on age. Months and years do not guarantee the presence of enlightenment. There are something which should never be disdained (coi thường, khinh thường)”. Mình đã gặp từ “disdained” trong bài đọc của một số đề thi IELTS, việc biết nghĩa từ này đã giúp mình vượt qua bài đọc đó dễ dàng hơn.

Nghe có vẻ vô lý, nhưng một số từ khó hiểu trong tiếng Việt khi được dịch sang tiếng Anh sẽ mang nghĩa tường minh hơn. Khi đọc Đường xưa mây trắng, mình từng rất lúng túng trong việc hiểu và diễn đạt nghĩa của hai từ “từ” và “bi”. Trong bản tiếng Anh, người viết dùng “loving kindness” (sự tử tế, tình yêu thương) để chỉ “từ” và “compassion” (lòng thương cảm với người khác) mô tả “bi”. Sau khi tiếp cận với bản tiếng Anh, mình đã hiểu rõ hơn rất nhiều so với trước.

Mình cũng từng như nhiều bạn, rất sợ đọc sách tiếng Anh có nhiều từ mới. Mình khắc phục bằng cách đọc sách điện tử trên iPad, kindle (máy đọc sách) để mỗi khi không hiểu, chỉ cần chạm vào từ đó là thiết bị sẽ hiển thị nghĩa. Việc này giúp mình vượt qua tâm lý ngại đọc sách, đỡ nản hơn.

Từ khi sang Canada, mình đọc thêm nhiều sách của các thể loại. Mỗi ngày, mình luôn cố gắng đọc tối thiểu 2 trang sách để duy trì thói quen này, cải thiện tốc độ đọc. Sở dĩ, mình không phải người hay đọc sách từ nhỏ, chỉ hình thành thói quen này từ thời đại học nên nếu không cố gắng duy trì có thể lười biếng và gặp khó khăn khi bắt đầu lại.

Khi đọc sách song ngữ, bạn nên đọc hết một chương trong tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh. Việc này giúp bạn đỡ chán và dễ dàng đối chiếu, so sánh những gì vừa đọc. Với mình, sau khi học hỏi và tích luỹ thêm một số từ mới, mình sẽ cố gắng dùng chúng trong bài nói, viết hàng ngày. Khi xuất hiện trong sách, những từ này được dùng với ngữ cảnh cụ thể nên việc mình áp dụng cũng đơn giản hơn. Mình còn dùng ứng dụng để tra từ mới, mỗi khi tra, ứng dụng sẽ hiển thị những bài báo sử dụng từ này, giúp học thêm ngữ cảnh và cách dùng từ.

Mình cho rằng với việc đọc sách bằng cả tiếng Việt và Anh, bạn sẽ học hỏi được một lượng lớn từ hay ho, mang tính học thuật cao, đồng thời hiểu được văn phong của người bản xứ hơn. Việc này còn giúp bạn hiểu sâu sắc cuốn sách và hứng thú với việc đọc, một trong những kỹ năng cần thiết để cải thiện ngoại ngữ nói chung và nâng cao tính học thuật trong bài viết và nói IELTS.

Đây là những kỹ năng đọc sách tiếng Anh mình đã áp dụng và nhận được kết quả tích cực. Bạn có thể tham khảo thêm những cách khác và tìm cho bản thân phương pháp học tập hiệu quả nhất.

Thanh Hằng (ghi)



Trang web này sử dụng cookie và yêu cầu dữ liệu cá nhân của bạn để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn.