Cách chinh phục học bổng tiến sĩ từ 7 trường top đầu thế giới
- 5 Tháng ba, 2022
- Đăng bởi: Admin
- Chuyên mục: Săn học bổng
Theo Xuân Bách, bài luận là yếu tố quan trọng nhất của hồ sơ, thể hiện tư duy nghiên cứu của người viết và nên được chuẩn bị tối thiểu ba tháng.
Nguyễn Xuân Bách, 21 tuổi, quê Hải Phòng, hiện là sinh viên khoa Hóa, Đại học Nagoya, Nhật Bản. Tháng 2 vừa qua, Bách liên tiếp giành học bổng tiến sĩ của 7 trường gồm: Harvard, Duke, Cornell, Rockefeller, Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), British Columbia (Canada) và Oxford (Anh). Trừ Đại học Oxford, các trường còn lại đều đề nghị mức học bổng toàn phần, trị giá 500.000-672.000 USD trong 5-6 năm (khoảng 11,5-15,5 tỷ đồng).
Từ kinh nghiệm làm hồ sơ và vượt qua vòng phỏng vấn, Xuân Bách chia sẻ bí quyết giúp mình chinh phục học bổng của những đại học top đầu thế giới.
Tự hỏi liệu mình có sẵn sàng học tiến sĩ?
Chương trình tiến sĩ thường kéo dài 5-6 năm, thậm chí lâu hơn. Khi học, bạn phải nghiên cứu để đưa ra kết luận về một vấn đề chưa được tìm ra trước đó. Đây là quá trình vất vả, cô độc và nhiều lúc rất mờ mịt. Mình cho rằng cái “được” nhất của học tiến sĩ là được tạo điều kiện để làm điều mình muốn, ở đây là thỏa sức nghiên cứu khoa học.
Khi Covid-19 diễn ra, đa số đại học đóng cửa khiến nghiên cứu sinh không thể hoàn thành chương trình tiến sĩ đúng hạn, kéo dài đến 7-8 năm. Việc này khiến nhiều người lâm vào khủng hoảng và gặp nhiều vấn đề về tinh thần. Do đó, trước khi làm hồ sơ xin học bổng tiến sĩ, hãy chắc rằng bạn thực sự muốn theo đuổi con đường này.
Điểm khác nhau giữa hồ sơ xin học bổng cử nhân và tiến sĩ
Để chuẩn bị hồ sơ thật tốt, bạn cần phân biệt điểm khác nhau giữa học bổng. Mình cho rằng ở bậc cử nhân, hội đồng tuyển sinh sẽ quan tâm đến hoạt động ngoại khóa, các phẩm chất của cá nhân bạn. Còn với tiến sĩ, các trường sẽ muốn biết điểm số, kinh nghiệm và hướng tư duy nghiên cứu của bạn. Hiểu một cách nôm na, học bổng cử nhân tìm kiếm những bạn dành nhiều thời gian hoạt động xã hội, còn tiến sĩ cần người chỉ ra lĩnh vực nghiên cứu theo đuổi.
Bài luận
Mình coi bài luận là phần quan trọng nhất của bộ hồ sơ nên dành gần một năm để lên ý tưởng và thực hiện. Bài luận của mình tập trung chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm nghiên cứu, đồng thời lý giải vì sao lựa chọn những lĩnh vực đó. Một số nghiên cứu không thành công, mình cũng đề cập và nói về bài học rút ra.
Việc thể hiện bản thân trong bài luận là cần thiết nhưng bạn nên cho thấy mình là người có tư duy thông qua các nghiên cứu cá nhân, chứ không phải những kỹ thuật hay máy móc được sử dụng. Sở dĩ, máy móc hay công nghệ là công cụ phục vụ việc nghiên cứu, bạn hoàn toàn có thể học cách sử dụng trong thời gian ngắn. Còn tư duy, định hướng nghiên cứu lại không thể đúc rút trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi bạn có quá trình trải nghiệm.
Khi viết, bạn nên kể chi tiết nhất có thể, đừng chỉ liệt kê dạng “tôi giao tiếp tốt” mà cần có dẫn chứng, câu chuyện. Việc này giúp bài luận dễ đọc, dễ hiểu đồng thời chứng minh bạn trung thực với những gì mình kể ra. Trong bài luận, trừ những từ ngữ chuyên ngành, mình luôn cố gắng diễn đạt theo cách thông dụng, dễ hiểu nhất có thể. Mình nghĩ không nên biến bài luận thành một bài viết học thuật như thi IELTS mà nên tập trung vào nội dung và giá trị của nó mang lại.
Về thời gian, bạn cần chuẩn bị ngay khi có ý tưởng du học và không nên làm trễ hơn 3 tháng trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ. Mình đã chuẩn bị luận gần một năm trước thời điểm hết hạn. Mỗi tuần, mình đều đọc báo khoa học, các công bố nghiên cứu, sau đó đọc lại bài luận. Với kiến thức mới được tích lũy thêm, mình phát hiện được bài có lỗi sai hoặc nảy ra ý tưởng mới, điều này giúp bài luận hoàn thiện và đạt độ chính xác cao.
Trong quá trình viết luận, cố vấn đóng vai trò rất quan trọng. Câu hỏi đặt ra là nên tìm ai làm cố vấn? Với mình, bất cứ ai cũng có thể trở thành cố vấn nếu họ có khả năng đọc hiểu tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu để xây dựng chiến lược, mình nghĩ bạn nên tìm cố vấn theo hai tiêu chí.
Thứ nhất, đó là một người có chuyên môn tại lĩnh vực bạn đề cập trong bài luận, thường là giảng viên của bạn. Cố vấn này đóng vai trò nhận xét bài luận về mặt ý tưởng, tính chính xác trong thông tin chuyên ngành.
Thứ hai, cố vấn còn lại nên là người bình thường, có thể là bạn bè và không cần có chuyên môn khoa học. Người này sẽ giúp bạn thẩm định tính mạch lạc, dễ hiểu của bài luận đối với một người không có kiến thức về khoa học hay không.
Thư giới thiệu
Đa số đại học yêu cầu 3 thư giới thiệu, có trường cho nộp 5 nhưng không khuyến khích. Tương tự việc chọn cố vấn, câu hỏi nhiều người băn khoăn là nên đề nghị ai viết thư giới thiệu.
Trong hồ sơ của mình, 2/3 thư giới thiệu mình không mất nhiều thời gian suy nghĩ, đó là thầy giáo mình cùng nghiên cứu mỗi lần về Việt Nam và một giáo sư dạy mình bên Đại học Nagoya. Hai người này đều hiểu rõ mình vì có nhiều tháng làm việc chung.
Với thư giới thiệu còn lại, mình khá phân vân. Đọc trên nhiều diễn đàn, mình thấy mọi người bảo được người càng nổi tiếng viết thư cho, cơ hội trúng tuyển càng cao. Khi đó, chủ phòng nghiên cứu của mình là người rất nổi tiếng trong ngành hóa nhưng mình lại không tiếp xúc nhiều, chỉ nói chuyện một lần. Ngoài ra, một cô giáo khác dạy mình trên trường, không nổi tiếng bằng thầy kia, nhưng lại hiểu mình hơn. Cuối cùng, mình nhờ cô giáo trên trường viết thư giới thiệu.
Lời khuyên của mình là nên chọn những người thực sự hiểu bạn và nghiên cứu bạn đang theo đuổi, họ sẽ viết được nhiều và sâu sắc hơn. Ngoài ra, cũng như luận, bạn cần liên lạc với thầy cô càng sớm càng tốt để hoàn thành hồ sơ đúng hạn. Nhiều chuyên gia khó tính, có thể phỏng vấn lại bạn vài lần trước khi quyết định nhận lời. Do đó, việc liên lạc sớm sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn với người viết, đồng thời cho họ thời gian để tạo ra bức thư chỉn chu và sâu sắc nhất.
Một chuyên gia có thể phải viết rất nhiều thư giới thiệu nên để thầy cô không quên hạn hoặc gửi sót trường, bạn nên soạn file excel gồm tên đại học, chương trình bạn ứng tuyển, email trường đó và ngày hết hạn gửi thư để chuyên gia dễ dàng theo dõi.
CV
Nhiều người nhầm lẫn, nghĩ rằng CV nộp trong hồ sơ xin học bổng tiến sĩ giống CV xin việc làm. Tuy nhiên, CV này không quá nhấn mạnh vào kinh nghiệm làm việc, trừ khi nó liên quan trực tiếp đến ngành bạn xin học bổng. Thay vào đó, thông tin bạn cần đề cập gồm: Trường đang học hoặc đã tốt nghiệp, điểm số (quy đổi về thang 4.0), thành tích, học bổng, những công bố khoa học, hội thảo tham dự, thông tin liên lạc nếu phía trường thắc mắc.
Thông thường, CV chỉ dài hai trang nên những gì nổi bật nhất, bạn hãy đưa lên đầu tiên. Ngoài ra, mình không gửi ảnh chân dung kèm CV vì cho rằng việc có thể tạo ra ấn tượng ban đầu (có thể tốt hoặc không) với hội đồng tuyển sinh, ảnh hưởng đến kết quả.
Điểm học tập (GPA), chứng chỉ ngoại ngữ
Một số đại học tầm trung thường nhận sinh viên có GPA cao để chắc rằng “bạn này học cũng ổn”. Tuy nhiên, các trường top thường có cái nhìn tổng quan hơn để đánh giá một ứng viên. Một người bạn của mình GPA chỉ 2.8/4 nhưng vẫn đỗ Harvard, nên dù điểm học tập chưa cao, bạn vẫn có thể khắc phục bằng những yếu tố khác như bài luận, kinh nghiệm nghiên cứu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giải thích trong bài luận rằng tại sao GPA của mình lại ở mức đó, có thể vì chuyển ngành hoặc năm nhất chưa quen cách học…
Nhiều bạn lo lắng về chứng chỉ ngoại ngữ và cuống cuồng thi IELTS hay TOELF. Mình nghĩ những chứng chỉ này chỉ cần qua mức yêu cầu đầu vào của trường, khoảng 6.5 (với IELTS), không nhất thiết cao vọt hay gần tuyệt đối. Sở dĩ bạn luôn nhớ rằng điều các trường yêu cầu ở một nghiên cứu sinh là khả năng nghiên cứu khoa học, ngôn ngữ chỉ là điều kiện cần, có thể nghe hiểu là được.
Phỏng vấn
Nếu nộp hồ sơ các trường ở Canada, bạn không phải trải qua bước này. Vòng phỏng vấn sẽ diễn ra sau khi các đại học duyệt hồ sơ của bạn lần một. Trước buổi phỏng vấn, hãy xem lại hồ sơ một lượt. Đôi khi không phải bạn cố ý, nhưng nếu nói sai thông tin so với những gì đã viết, bạn có thể bị đánh giá không trung thực.
Tại Mỹ, đầu tiên, bạn sẽ được trò chuyện 7-10 phút với hội đồng tuyển sinh, sau đó trường sẽ cho bạn chọn 5-6 giáo sư để nói chuyện riêng, mỗi người khoảng 30 phút. Để chọn được 5-6 người này, bạn bắt buộc phải đọc trước về họ và những nghiên cứu họ đã, đang làm vì câu hỏi đầu tiên của các giáo sư thường là “Tại sao bạn lại muốn nói chuyện tôi?”.
Nhiều giáo sư rất dễ, chỉ hỏi thăm và trò chuyện vui vẻ. Ngược lại, nhiều người lại kiểm tra bạn rất kỹ về kiến thức chuyên ngành. Ngoài đọc trước về họ, bạn cũng cần chuẩn bị những câu hỏi cho họ vì trong 30 phút, thường giáo sư chỉ hỏi 20 phút, còn lại bạn sẽ là người chủ động.
Khi phỏng vấn với giáo sư mình yêu mến và hứng thú với dự án họ làm, mình sẽ hỏi rất kỹ về nghiên cứu đó. Còn với người mình không thực sự dành nhiều sự quan tâm, mình sẽ hỏi về cuộc sống tại Mỹ, chính sách của trường cho sinh viên quốc tế…
Quá trình phỏng vấn còn có một phần tương tác với nghiên cứu sinh đang học tiến sĩ tại trường. Những bạn đó sẽ thuyết trình về nghiên cứu của họ, sau đó mình đặt câu hỏi hoặc thảo luận về vấn đề trong nghiên cứu đó. Vì được coi là một phần của hội đồng tuyển sinh, những bạn này sẽ phản ánh với giáo sư về năng lực của bạn để trường đưa ra quyết định cuối cùng.
Mình thấy phỏng vấn với các đại học Mỹ có sự thoải mái trong giao tiếp, trang phục hơn là giáo sư từ các đại học Vương quốc Anh. Chẳng hạn, bạn có thể nói “Could you speak a little louder?” (Thầy nói to hơn được không?) với giáo sư Mỹ, nhưng cần diễn đạt trang trọng hơn “Would you mind speaking a little louder” (Thầy làm ơn nói to lên ạ) khi phỏng vấn với giáo sư Anh. Và dù phỏng vấn với trường nào, bạn luôn cần trung thực với những gì nói ra.
Thanh Hằng (ghi)