Bí quyết giao tiếp tiếng Anh tự tin

Chia sẻ với bạn bè

Thầy Quang Nguyen chia sẻ bí quyết giao tiếp tiếng Anh tốt, trong đó nhấn mạnh việc luyện nghe thật nhiều và đúng phương pháp.

Hè năm 2011, mình gặp một người bạn mới ở Việt Nam qua Mỹ định cư. Hồi mới sang, bạn cũng nói tiếng Anh được một chút đỉnh. Chưa kể, sang tới Michigan, bạn còn học một chương trình tiếng Anh.

Sau 3 tháng học, người bạn này rời Michigan qua California ở với bác. Mình đã chở bạn lên sân bay. Vào cửa check-in, nhân viên hỏi mấy câu nhưng bạn ấy nghe tiếng Anh chưa sõi nên không biết trả lời thế nào (hồi đó chưa sử dụng Google Translate). Mình đứng ra làm “phiên dịch” để giúp bạn hoàn thành thủ tục. Câu chuyện trên có liên quan gì đến “giao tiếp tiếng Anh tự tin”?

Ở Việt Nam, bạn của mình có lẽ không phải diện kém, cũng học hết lớp 12, thi đỗ đại học và vào học hai năm trước khi sang Mỹ. Nhưng bạn ở Mỹ, học tiếng Anh chương trình Mỹ trong suốt 3 tháng liên tục và vẫn không giao tiếp được khi ra sân bay. Vấn đề nằm ở đâu?

Thầy Quang Nguyen với nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Quang Nguyen với nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo kinh nghiệm của mình, giao tiếp tự tin bắt đầu từ nghe. Nếu bạn nghe tốt, 80% là bạn có thể giao tiếp tốt. Để nghe được, đầu tiên bạn cần nghe nhiều. Bạn đừng ngạc nhiên khi có những người học tiếng Anh ở Việt Nam mà giao tiếp tiếng Anh rất ổn; và có những du học sinh ở Mỹ, Australia mà giao tiếp lại bập bẹ. Khách nhau là nghe có đủ không.

Khi nghe, đương nhiên bạn cần từ vựng, ngữ pháp. Nhưng mấy khoản đó không phải vấn đề lớn nhất, khó nhất khi nghe nằm ở phát âm. Người Việt Nam hầu hết thích học bằng mắt, chứ không phải bằng tai. Đại đa số trẻ em Việt Nam mình biết thích nhìn mặt chữ để đoán phát âm, và từ khóa “đánh vần tiếng Anh” hay “phonics” luôn nằm trong top tìm kiếm của giới học tiếng Anh.

Vì học bằng mắt, chúng ta khó lòng nói ra sự khác biệt giữa “comb”, “womb” hay “bomb”; hoặc “bought”, “drought”, “though”, “through”, “thorough” hay “cough”… Và đơn giản là phát âm sai nên nghe không được. Khi học bằng mắt, bạn cũng không cảm nhận được sự khác biệt khi người ta nói “DIFF-icult” thay vì “đíp phi cừn”, hoặc bắt được tốc độ nói của người bản xứ.

Vậy, giải pháp là gì? Thứ nhất, hãy học nghe trước khi học nói, nghe chuẩn là tiền đề của nói rõ ràng, lưu loát. Thứ hai, nếu nghe tiếng Anh thật nhiều và cảm thấy mình đang gặp khó khăn với phát âm, đừng ngần ngại học phát âm. Phát âm chuẩn là nền tảng giúp bạn nghe chuẩn và nói rõ.

Một câu hỏi thú vị học viên hỏi mình: “Trẻ em bản xứ có học phát âm không”? Có, nhưng với trẻ em bản xứ, phát âm chủ yếu để học nói. Quy trình thông thường của trẻ là nghe – nói sai – được sửa phát âm – nói đúng.

So với trẻ em bản xứ, chúng ta “thiệt thòi” khoảng ba năm nghe tiếng Anh liên tục để nhận diện âm, trọng âm, cách nói… Để bù đắp ba năm (0-3 tuổi), chúng ta học phát âm để “rút ngắn giai đoạn”, nhằm hiểu được cách người bản xứ nói, từ đó hỗ trợ ngược lại cho khả năng nghe và nói tiếng Anh.

Tóm lại, để giao tiếp tiếng Anh tốt, hãy đảm bảo bạn thực hành nghe thật nhiều, và thật đúng phương pháp. Nền tảng phát âm sẽ giúp thúc đẩy quá trình luyện nghe một cách nhanh chóng. Phát âm cũng vô cùng hữu ích để bạn nói tiếng Anh tự tin, rõ ràng và lưu loát.



Trang web này sử dụng cookie và yêu cầu dữ liệu cá nhân của bạn để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn.